Từ nguyên liệu bỏ đi
Giới thiệu và mời khách dùng thử nước ép từ cây xương rồng tai thỏ, chị Nguyễn Vũ Lệ Minh (34 tuổi) cho biết, đây là sản phẩm do hai vợ chồng tự trồng trọt và chế biến. Chị Minh nói rằng, gần ba năm tìm tòi, trải qua nhiều thăng trầm và thất bại mới tạo ra “đứa con tinh thần” ngày hôm nay.
Kể về hành trình khởi nghiệp, chị Minh chia sẻ, một lần tình cờ biết cây xương rồng tai thỏ thường mọc hoang dại ở bờ rào còn có thể chế biến món ăn và có công dụng hỗ trợ bệnh xương khớp, tiểu đường. Tìm hiểu thị trường trong nước hầu như chưa có sản phẩm được chế biến từ xương rồng tai thỏ. Vì thế, vợ chồng chị quyết định khởi nghiệp với giống cây bỏ hoang này.
Xương rồng tai thỏ từ cây mọc hoang thành sản phẩm khởi nghiệp độc đáo. Ảnh: U.P |
Sau nhiều lần “chuyển nhà” cho cây xương rồng, cuối cùng, cả hai quyết định về huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên cũng là quê chồng của chị Minh để xây dựng nhà xưởng và mở rộng diện tích trồng 5.000 cây.
Xương rồng là loài không phải chăm sóc nhiều, sức khỏe tốt nên trong thời gian ngắn, cây sinh sôi phát triển rất nhanh. Có thành phẩm, hai vợ chồng tự nghiên cứu làm nước ép, trà từ xương rồng tai thỏ. Theo đó, các bẹ xương rồng sau khi thu hoạch được rửa sạch, gọt bỏ gai, xử lý chất nhờn và tiến hành chế biến thành nước ép, trà, xương rồng muối chua..
Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng, chị Minh đã thành công khi cho ra đời những chai nước ép xương rồng đầu tiên, bảo quản được một năm ở môi trường tự nhiên. “Vui tới phát khóc. Bao mồ hôi, nước mắt và cả máu nay cũng đã thu được thành phẩm” – chị Minh xúc động nói.
Trước giờ, cây dừa nước hầu như chỉ được sử dụng quả, lá, còn phần thân chặt bỏ. Chị Nguyễn Thị Thuận (quê Bến Tre), chủ cơ sở thủ công mỹ nghệ Út Thuận đã quyết định tận dụng phần ruột bên trong cây dừa nước để làm những sản phẩm thời trang như túi xách, bình hoa, chậu cây… Trải qua nhiều công đoạn bào mỏng, phơi khô, chẻ nhỏ rồi bện thành dây. Sau đó đan thành những sản phẩm với cách thức như đan lục bình.
“Tôi mong muốn tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường, đồng thời tận dụng các phế phẩm bỏ đi như thân cây dừa nước để tránh gây ách tắc dòng chảy” – chị Thuận chia sẻ.
Nâng tầm sản vật địa phương
Giới thiệu nhiều món độc lạ từ chanh rừng như chanh rừng ngâm mật ong, chanh rừng ngâm muối, mứt chanh rừng, chanh rừng ngâm đường phèn… hai nhà khởi nghiệp mới học lớp 12 Nguyễn Thị Phương Thùy và Tô Phương Quỳnh (Lạng Sơn) được người tiêu dùng tấm tắc khen.
“Chanh rừng có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe con người. Nhưng ở quê em, quả được thu hoạch quanh năm, chỉ để được khoảng tuần là hỏng. Do vậy, chúng em có ý tưởng chế biến các sản phẩm từ quả chanh rừng để góp phần tăng thu nhập cho người dân, nâng cao giá trị quả chanh rừng Mẫu Sơn”- em Thùy cho biết.
Với nguyên liệu bình dân từ củ sắn (khoai mì) đã được anh Mai Tuấn Anh, nhà sáng lập Cusami Kitchen (quận Phú Nhuận, TPHCM) tạo ra đủ các món “hot trend” như bánh khoai mì lava trứng muối tan chảy, bánh nhân bò phô mai đậm đà, bánh khoai mì nước, bánh đúc khoai mì nhân thịt…
“Hiện chúng ta đã có cà phê rất nổi tiếng nhưng lại chưa có sản phẩm bánh để ăn kèm với cà phê. Vì vậy tham vọng của chúng tôi là có thể làm các sản phẩm bánh từ củ khoai mì để ăn kèm” – anh Tuấn Anh chia sẻ.
Đặc biệt, Tuấn Anh còn phát triển loại xe bán hàng di động để bán bánh khoai mì làm món ăn sáng (điểm tâm). Xe được đặt tại nhiều địa điểm, tạo thêm việc làm bán thời gian cho sinh viên, người lao động…
Dự án của Mai Tuấn Anh vừa đạt giải nhất bảng A (dự án hoạt động dưới một năm) tại cuộc thi ý tưởng/dự án Khởi nghiệp Xanh do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức giữa tháng 11 vừa qua.