Hoạt động
  • Quảng cáo 2
  • Banner STU
  • Quy sua cho tre phoi nhiem
  • MixMarket
Đối tác
  • Canadian Cooperative AssociationCordaid
  • RabobankRimansi
  • FordActionaid Vietnam
  • ChemonicsMcKnight
  • The Asia FoundationCFLI
04/08/2015 10:34:17 AM

Người đàn bà sống để vì con

(Lượt xem: 7693)

Đi dọc theo con đường phố Huyện về phía nam, dưới cái nắng gay gắt xế trưa lại như được gió Lào trộn thêm lửa, đổ lên đầu và đôi cánh tay điều khiển xe máy, có lúc tôi cảm thấy đom đóm chập chờn trước mắt mình. “Rẽ vào dốc này một đoạn là tới thôi ạ!”. Người đồng nghiệp trẻ nói với tôi và cùng rời quốc lộ để leo theo một rẻo nhỏ tới dãy nhà sàn không mấy chắc chắn. Chúng tôi đi bộ vào. Qua một nhà, hai nhà…cuối cùng chúng tôi cũng tới căn nhà nhỏ xập xệ liền kề một ngôi to hơn. Đó là nhà chị Cà Thị Hinh, một đối tượng đích của Dự án STU Tuần Giáo. Chị Hinh đang mở cửa chuồng để thả đàn dê Dự án của mình cho chúng tự lên núi kiếm ăn.

Chị Cà Thị Hinh năm nay 32 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Bản Bông, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên. Mới ngoài 20 tuổi, chị đã lấy chồng và chuyển tới ở tại nhà chồng. Không may cho chị, người chồng không được bố thừa nhận nên đã bị đối xử ngược đãi và phải dọn về bên ngoại.

Chị kể lại rằng do bố mẹ thuộc diện nghèo lại thêm gia đình chị dọn về không có nhà ở nên được hỗ trợ tiền làm nhà trên 7 triệu và được vay từ Ngân hàng chính sách xã hội 8 triệu để làm nên căn nhà ở tạm. Ngày ngày, anh chị đi làm thuê để kiếm sống và tích cóp tiền bạc những mong có đủ tiền để làm nhà riêng cho mình... Nhưng rồi “Tiền làm nhà thì tích cóp đã gần đủ rồi mà người lại ra đi và đem theo tất cả”.

Chuyện xảy ra vào năm 2007. Trong khi đang đi làm thuê, anh bị sốt cao và phải nhập viện. Chị đã phải nghỉ làm để chăm anh. Ngày lại ngày, nằm viện lâu lắm rồi mà bệnh tình anh không thuyên giảm. Chị đánh liều hỏi bác sỹ và được biết anh bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Bác sỹ còn dặn đi dặn lại là chỉ một mình chị biết thôi, không được nói cho anh.

Trong cơn bàng hoàng, chợt chị hốt hoảng nghĩ rằng mình phải đi xét nghiệm ngay. Kết quả là chị đã bị dương tính (+). Chị đau đớn đến tột cùng! Chồng chết, bản thân nhiễm, chị như sụp đổ nếu không nhìn thấy ánh mắt hoảng sợ và van nài của hai đứa con nhỏ, một 3 tuổi và một mới 1 tuổi.

Chính các con đã khiến chị phải tiếp tục đứng lên để che chở và nuôi dưỡng chúng. Chị đã tham gia nhóm “Hoa hướng dương”. Tới tháng 10 năm 2012, sau khi được giới thiệu về Dự án M7- Sức khỏe bền vững, chị tìm tới văn phòng đại diện CFRC tại Tuần Giáo để đăng kí tham gia và trở thành thành viên thứ 855 của Dự án STU.

Tháng 11 năm 2012, sau khóa đào tạo 2 buổi và thực hành tiết kiệm 10,000 đ, chị đã nhận được khoản vốn đầu tiên là 3,000,000 đ. Chị nói: Ban đầu cháu định nuôi lợn. Sau nghĩ lại thấy nuôi lợn phải trồng rau làm thức ăn cho nó mà mình thì sức yếu không làm nổi, lại phải mua cám cho nó thì mình cũng không có tiền. Cuối cùng cháu chọn nuôi dê vì chúng tự lên núi kiếm ăn, cho nó uống nước muối, nó nhớ nên tối đến tự về nhà, mình không vất vả nhiều”.


Chị quyết định mua đôi dê nặng 52 cân (con dê cái đang mang bầu) với giá 80.000 đ/cân. Chị mua giống hết 4,160,000 đ trong đó vốn tự có của chị là 1,160,000 đ. Con dê về nhà chị chẳng bao lâu đã sinh thêm 2 dê con. Chị để nuôi và sau 3 tháng, hai mẹ con dê cùng đẻ cho chị thêm 4 dê bé, nâng tổng số dê trong nhà lên tới 8 con.


Chiều chiều, chị Hinh đưa đàn dê Dự án của mình lên núi gần bản để chúng tự kiếm ăn


Chị đã bán được 2 con nặng 43 cân với giá 100,000 đ/cân được 4,300,000 đ. Số tiền này lớn gần gấp rưỡi tiền vốn vay nhưng chị không phải trả cho STU mà được toàn quyền sử dụng. Chị dùng số tiền bán dê gửi cho em gái đang học tại Thành phố Điện Biên Phủ 2,000,000đ nộp học phí, số còn lại chi tiêu cho chuyến vào viện vừa rồi. Khi hỏi chị có gặp khó khăn gì do phải trả vốn lãi 2 tuần 1 lần không thì chị cho biết:“… với mình không có khó khăn gìHiện nay dư nợ gốc chỉ còn lại 1,625,000đ, chỉ cần phụ bán cháo một tháng cũng trả hết."

Khi chúng tôi đến thăm, chị cũng vừa phải đi viện mổ ruột thừa trong tháng trước đó. Chị kể lại một chuyện buồn  xảy ra khi đi mổ ruột thừa. Chị nói:

-  “Khi băng ca đưa cháu vào phòng mổ, mặc dù đã gây mê nhưng tôi vẫn còn nghe rõ một giọng đàn bà quen thuộc: Con này nó sắp chết rồi đấy, cứu nó làm gì” . Và cũng nghe thấy tiếng trả lời:

-  Sao chị lại nói thế? Người ta có làm sao thì mới tới đây chứ, chị không chăm sóc thì để chúng em chăm sóc”

Là người đã từng trải nghiệm, chúng tôi rất cảm thông với chị nhưng biết có nói gì chăng nữa thì cũng không xóa đi được những tổn thương của chị. Do đó chỉ biết an ủi: Chắc lúc đó mê rồi nên nghĩ lung tung thôi. Hãy quên đi tất cả vì đằng nào mình đã được y bác sỹ cứu sống rồi mà”.

Nhưng khi nói về Dự án, chị lại trở nên phấn chấn hơn. Chị cho biết sau khi ra viện, cán bộ STU đã tới ngay để thăm hỏi động viên và trao khoản tiền Hỗ trợ viện phí là 210,000 đ từ nguồn Quỹ Bảo vệ tương hỗ.

Các con chị khi nhìn thấy mẹ về cũng rất mừng và thương mẹ, chúng gào lên:“Mẹ ơi! Sao mẹ lại khổ thế này? Nay mai chúng con lớn, chúng con không để mẹ khổ như thế này nữa đâu ! ”. Vừa nói chị vừa cố kìm nước mắt, nuốt cho nó chảy vào trong. Chia tay chị ra về, chúng tôi không ai nói gì nhưng ai cũng thầm nghĩ sao lại có người phụ nữ can trường đến thế.

Hai hôm sau, chúng tôi lại tới thăm chị. Chị cho biết con dê bé nhà chị vừa bị chó cắn chết. Nó bị cắn trên đường về chuồng vì chị còn yếu không đi đón chúng về được nên nó đã bị chết rất thương tâm. Chị bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe nhưng cũng lại tự an ủi: “Dù sao thì hai con dê lớn của cháu cũng lại sắp sinh lứa thứ ba rồi, thể nào cháu cũng sẽ có thêm 4 con nữa thành một tá. Cháu sẽ tham gia dự án mãi mãi để có tiền nuôi các con của mình được ăn học nên người”.           

                                                            Chị Cà Thị Hinh và hai con

Tuần Giáo, một chiều hè nóng bỏng
26.5.2013
Phi Lao