Hoạt động
  • Quảng cáo 2
  • Banner STU
  • Quy sua cho tre phoi nhiem
  • MixMarket
Đối tác
  • Canadian Cooperative AssociationCordaid
  • RabobankRimansi
  • FordActionaid Vietnam
  • ChemonicsMcKnight
  • The Asia FoundationCFLI
05/05/2013 23:49:44 PM

Sống tích cực

(Lượt xem: 1555)

Thành viên Lường Thị Lợi (Tuần Giáo), 45 tuổi là một trong những thành viên tham gia dự án ngay từ thời gian đầu (8/2012) khi dự án triển khai tại nơi này.

Hoàn cảnh của chị thật éo le. Anh chị có 3 người con nhưng chồng chị chẳng may mất sớm, và chị quyết định tái giá 5 năm về trước. Nhưng thật không may cho chị lần nữa, rủi ro nối tiếp rủi ro. Hai đứa lớn nhà chị cũng bỏ lại mẹ và đứa em út. Người con đầu mất do chết đuối; người con thứ hai bị tai nạn xe không thể qua khỏi. Giờ chị chỉ còn lại người con thứ ba, 19 tuổi, đang đi học ở Lai Châu.

Có lẽ chị cũng sẽ không biết mình bị nhiễm HIV nếu như lần đó chị không bị đau mắt và phải làm các xét nghiệm cần thiết tại bệnh viện Tuần Giáo, Điện Biên và Hà Nội. Khi phát hiện tình trạng sức khỏe của mình, tế bào CD4 của chị chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị chia sẻ “lúc đó chị chỉ còn 19kg”. Ngay sau đó, chị đã kịp thời điều trị ARV tại TTYT Tuần Giáo từ tháng 6/2012. Cho tới nay, số lượng CD4 của chị đã trên 100 tế bào. Chị đã duy trì được sức khỏe của mình và nhờ có dự án mà chị đã có thể vay vốn để có thêm việc làm và thu nhập hàng tháng. Trước khi vay vốn, cuộc sống của chị thật bấp bênh “Một ngày đi làm bánh cho họ từ 7h sáng tới 1h chiều được 40,000 đồng thôi. Nhưng có phải ngày nào cũng có người gọi đi làm đâu. Cả tháng may ra thì được 8 ngày.” 320,000 đồng/tháng thì chị sẽ phải xoay sở thế nào trong số tiền này!

Qua cán bộ dự án, chị biết tới Dự án tăng cường năng lực và giảm nghèo bền vững cho các chị em có hoàn cảnh giống như mình vay vốn và gửi tiết kiệm. Chị đã mạnh dạn làm đơn đăng ký xin vay vốn và được phê duyệt mức vay 3,000,000 đồng. Số tiền nhỏ này cũng đủ giúp chị mua lại được chiếc máy may cũ (khoảng 700,000 đồng), số tiền còn lại chị để dành dần dần mua kim, chỉ, bông, vải,… để làm đệm khi có khách hàng tới đặt. “Trước đây chị cũng từng làm đệm rồi nên có sẵn tay nghề, kĩ thuật. Nhiều người họ tới tận nhà để đặt làm đệm, một tháng chị làm được khoảng 6 đôi đệm đấy. Bây giờ nhiều lúc có người gọi đi làm bánh nhưng chị không nhận nhiều vì còn tập trung làm xong đệm để giao cho khách hàng đúng hẹn. Chỉ những hôm nào lễ, tết hoặc ngày mùng một, ngày rằm chị mới đi làm bánh thôi. Tiền mua nguyên vật liệu cho một đôi đệm khoảng 1,500,000 đồng. Chị bán ra 1,800,000 đồng/đôi. Một tháng bây giờ cũng được lãi rồi. Vậy là có tiền để gửi tiết kiệm và trả gốc lãi hàng kì cho dự án. Từ khi vay dự án tới giờ, chị chưa bao giờ phải vay mượn để trả gốc lãi và chưa bao giờ quên lịch trả nợ đâu.” Chị vừa nói vừa cười và chỉ vào Đồng hồ lịch vạn niên treo trên tường, “trên đó có ngày tháng mà nên không quên được đâu”.

Khi được hỏi chị đã cảm nhận được sự thay đổi trong cuộc sống của mình và gia đình hay chưa, chị chia sẻ “Có đấy. Từ khi tham gia dự án, chị đã biết cách ăn nói, biết cách cư xử. Trước đây hay nóng tính, không giữ được bình tĩnh, nhưng từ ngày tham gia nghĩ đến mỗi lần đi họp sẽ gặp gỡ các chị em nên cũng đã phải cân nhắc lời nói của mình. Cảm thấy vay nhanh chóng, thuận lợi cho bản thân. Lúc nào trong người có tiền cũng thấy sảng khoái hơn, không phải lo nghĩ gì”. Chị xác định “Mình chú tâm vào vay trả nghiêm túc. Khi nhận vốn cần có kế hoạch xác định làm gì để xoay sở trả gốc và lãi cho đúng hạn”.

Chị Lợi là một trong số những thành viên không may mắn về sức khỏe đang vay vốn từ dự án nhưng luôn tuân thủ nghiêm túc lịch hoàn trả theo quy định. Nghị lực và ý chí quyết tâm của chị chính là “tài sản thế chấp” để dự án tin tưởng cho chị vay vốn, tự tạo việc làm và có thêm thu nhập, từ đó giúp chị tái hòa nhập cộng đồng, theo đúng như mục tiêu mà dự án M7 – SKBV đề ra ban đầu.

Lê Thu Hằng, 4.2013